Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Quảng Bình có vị trí rất đặc thù, đây là nơi giao thoa, hội tụ giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc Việt như văn hóa Việt Mường-Chămpa, Đông Sơn-Sa Huỳnh, Đàng Trong-Đàng Ngoài, Thăng Long-Phú Xuân… Vì thế, Quảng Bình có một sắc diện văn hóa rất riêng. Có lẽ cũng vì lý do đó mà lịch sử Quảng Bình trải qua rất nhiều thăng trầm.
          Mặc dù ở vùng đất này đã hiện diện những trung tâm văn hóa tiền sử và sơ sử rất sớm, khá nổi tiếng nhưng những biến động xã hội diễn ra thường xuyên trong suốt tiến trình lịch sử đã làm cho dòng chảy lịch sử Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận chiều, thậm chí có lúc gián đoạn. Chính vì lẽ đó, từ sau hơn một thiên niên kỷ khai thiết và tạo dựng, mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, vùng đất Quảng Bình mới có được cái chính thuận để hội nhập đầy đủ vào tiến trình lịch sử Việt Nam. Vào năm 1069, Lý Thường Kiệt mang gươm đi mở cõi phương Nam và thu về, sáp nhập ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh vào Đại Việt. Sau đó, mảnh đất này lại tiếp tục hứng chịu nhiều tác động ngoại cảnh và những biến động tự thân để rồi lại phân chia, tách nhập với các tên gọi châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh (năm 1075), phủ Tân Bình (năm 1375), trấn Tân Bình (năm 1397), phủ Tây Bình (năm 1402), phủ Tiên Bình (năm 1600)…


         Đến năm 1604, sau khi thiết lập chính quyền cát cứ phía Nam, Chúa Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên mới cho vùng đất này là phủ Quảng Bình (Chúa Nguyễn Hoàng muốn dùng chữ Quảng Bình với ý nghĩa Quảng có nghĩa là rộng, Bình có nghĩa là thái bình, yên ổn, để tỏ lòng ước vọng một nền “thái bình rộng lớn“); trực thuộc dưới phủ có huyện và châu. Mốc 1604 là năm mà tỉnh bắt đầu có danh xưng “Quảng Bình” và là đơn vị hành chính cấp phủ (đồng cấp tỉnh) trực thuộc chính quyền Trung ương thuộc quốc gia Đại Việt; toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới hành chính phủ Quảng Bình bấy giờ bảo đảm tính toàn vẹn tương đối như ngày nay.
           Quan điểm chọn mốc 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình đã nhận được sự đồng thuận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Mốc lịch sử này cũng tương đồng với cách lựa chọn của nhiều địa phương trong cả nước có đặc điểm và tiến trình phát triển tương đương như Nghệ An ở phía Bắc đã chọn “980 năm danh xưng Nghệ An” vào năm 2010, Thừa Thiên-Huế kỷ niệm “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” vào năm 2006, ” Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển” (năm 2011), “Khánh Hòa 350 năm” (năm 2003), Đồng Nai kỷ niệm “300 năm Biên Hòa-Đồng Nai hình thành và phát triển” (năm 1998), Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm “300 năm Sài Gòn” (năm 1998)…
           Như vậy, có thể thấy chu trình mở cõi về phương Nam đi dần từ 1.000 năm Thăng Long, 980 năm Nghệ An, 410 năm Quảng Bình (kỷ niệm vào năm 2014), 400 năm Phú Yên, 350 năm Khánh Hòa, 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai và Sài Gòn 300 năm… là phù hợp với diễn trình lịch sử dân tộc.

Nguồn: TTXVN

0945.384.229